Header Ads

header ad

Lò đứng nhả bụi - Kinh Môn lại ồn

Hơn nửa tá nhà máy xi măng lò đứng và cơ sở nghiền đá bên bờ sông Kinh Thầy (Kinh Môn, Hải Dương) ngày ngày khả khói khiến người dân cả cả vùng điêu đứng vì... ngập bụi.
Lo dung nha bui Kinh Mon lai on
Khói bụi mù mịt quanh cụm xi măng lò đứng ven sông Kinh Thầy
Hơn nửa tá nhà máy xi măng lò đứng và cơ sở nghiền đá san sát bên bờ sông Kinh Thầy thuộc xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, lại gây chú ý của dư luận khi liên tiếp mấy ngày nắng nóng cuối tháng 4 đầu tháng 5/2005, bà con sở tại kéo về trụ sở chính quyền địa phương đòi các lò kia dừng nhả bụi ngay lập tức sau gần 10 năm “chịu không nổi nữa rồi”.
Phát triển bằng mọi giá
10 năm qua, dân xã Duy Tân cam chịu sống chung với bụi để hơn 1000 con em họ có việc ổn định đến mức hầu như không ai “thèm” xuất khẩu lao động. Duy Tân rộng 749 ha với tỷ lệ nghèo chiếm 4,5% dân số 6.000 người trong khi toàn huyện tỷ lệ nghèo là 5,3%.
Chủ tịch xã, anh Lê Quang Huy, tự hào: “Bói cũng khó ra nhà nào cho con em đi xuất khẩu”. Hỏi vì sao, Bí thư Đảng ủy Xã, ông Nguyễn Trọng Đạo, bảo bà con làm công nghiệp địa phương là đủ ăn rồi.
Duy Tân với ưu thế tọa ven sông Thầy được “bật đèn xanh” tăng tốc sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ các khu vực khác trong và ngoài huyện, thậm chí ngoại tỉnh. Hơn 20 cơ sở khai thác đá, khoáng sản, sản xuất xi măng và nghiền clinker, để khu công nghiệp Nhị Chiểu “nuốt trọn” 5 xã trong đó có Duy Tân kịp tiến độ thi công.
Tỉnh “vui lây” và không tiếc tiền đầu tư cho huyện hơn 200 tỷ đồng làm đường, xây dựng thị trấn, cụm dân cư, và khu công nghiệp. Tỉnh còn đặt thêm hai nhà máy xi măng (NMXM) của tỉnh là Trung Hải và Duyên Linh. Kinh Môn sầm uất thêm một bước khi được trung ương đầu tư xây dựng ba NMXM khác.
Quy hoạch tổng thể có cả song không hiểu sao vùng động lực kinh tế của Hải Dương vẫn không làm được quy hoạch môi trường theo đúng nghĩa mặc dù văn bản nào, hội nghị nào, hai chữ “môi trường” cũng được nhắc. Chỉ đến khi chính những người “thụ hưởng” môi trường lên tiếng, dường như người ta mới bắt đầu cảm thấy bất hợp lý, tính thiếu bền vững của cả một chiến lược.
Khi bà con Duy Tân, trục kinh tế nóng nhất của tỉnh Hải Dương, phản ứng với những “nồi cơm” bốc khói bụi mù mịt, nhiều người nhận ra tiền không phải là tất cả. Trên con đò chở tôi qua sông Kinh Thầy trong tiết nồm Nam, anh Mạc Văn Sứ 41 tuổi cởi mở trên khuôn mặt xạm đen: “Anh còn nhớ hôm anh cũng đi đò qua đây em kể chuyện phải chạy mua lá cây xạ đen của bà lang Phiển ở Hoà Bình 250.000đ không? Vợ em mất rồi anh ạ. Ung thư vòm họng”.
Bác sỹ Mạc Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế Huyện Kinh Môn, cho biết, chỉ tính từ tháng 9/2004 đến tháng 4/2005, số bệnh nhi đến huyện điều trị tăng ba lần. Có ngày, y tế huyện tiếp nhận 50 cháu, và xã Duy Tân hầu như lúc nào cũng đông nhất.
Chưa có thống kê về thiệt hại sức khỏe cũng như khắc phục ô nhiễm ở Duy Tân song một chuyên gia ước tính tương đương với số nộp ngân sách hàng năm của huyện Kinh Môn cho tỉnh Hải Dương.
Quy cho ai?
Bên này cho rằng lỗi do bên kia và ngược lại. Một trong 17 nhiệm vụ giám sát của Quốc hội đặt ra cho năm 2004 là giám sát kết quả xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn hai năm trôi qua kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 64/2003/QĐ - ngày 22/4/2003, kế hoạch mở màn của Bộ Tài nguyên&Môi trường, của nhiều địa phương hầu như không thành.
“Mình doanh nghiệp lo không đặng”, ông Lê Văn Định, GĐ Cty Xi măng Thành Công, một trong tám nhà máy xi măng lò đứng trên quãng ngầu bụi chưa đầy 1 km của xã Duy Tân, nói. Dây chuyền xi măng lò đứng của Thành Công có công suất thiết kế 30.000 tấn/năm loại xi măng mác PCB30 từ khoản đầu tư 11 tỷ đồng.
Khởi đầu năm 2003, Cty sản xuất 35.000 tấn. Trong thời gian khấu hao ngắn ngủi 4 - 5 năm, làm càng nhiều xi măng, đem lại càng nhiều việc làm càng tốt. Bước đầu tuyển 200 lao động với lương 750.000đ/tháng, nộp thuế 800 triệu đồng.
Bài toán ấy, nhà quản lý nào quen “bóc ngắn cắn dài” cũng thích. Nhiều người cho lỗi ô nhiễm nhất quyết không phải ở GĐ Định nếu không muốn nói cần biểu dương khi ông đầu tư khoản tiền lớn và dựng nghiệp ngay trên quê nhà góp phần giảm sức ép lao động nông thôn đổ ra thành thị.
Vậy lỗi do ai? Vấn đề là cán bộ huyện “không có chuyên môn môi trường” như thừa nhận của KS Đại. Cộng với, do phân cấp, huyện không có quyền định đoạt gì. Tại các cuộc họp, huyện cũng chỉ “có ý kiến đóng góp”. Đóng góp có được tiếp thu không và tiếp thu đến đâu, “chúng tôi không biết”, Phó chánh Văn phòng huyện, Phạm Quang Vinh, chân tình.
“Một mình tỉnh chúng tôi lo làm sao nổi”, một quan chức UBND tỉnh Hải Dương nói, “Còn các cơ sở của Trung ương, còn chính sách phát triển của các bộ, ngành, chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ, làm sao chúng tôi can thiệp được”. Thế thì cũng chẳng thể trách Giám đốc Cty Xi măng Thành Công trả lời: “Vì nó đơn giản, rẻ, thời gian hồi vốn nhanh” khi tôi hỏi “Vì sao chọn công nghệ xi măng lò đứng?”.
Cho phép hàng loạt lò đứng “phế thải” của Trung Quốc về đậu san sát sông Kinh Thầy không còn là trách nhiệm của doanh nghiệp, địa phương nữa. Các NMXM lò đứng ở Duy Tân nằm trong 4 khu quy hoạch công nghiệp của huyện Kinh Môn khó có thể thay thế trong sớm chiều nếu chỉ để mình tỉnh Hải Dương lo.
Bộ Xây dựng từng về làm việc với Sở Xây dựng Hải Dương. Tháng 9/2003, ngay sau Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, Sở từng triệu tập doanh nghiệp lò đứng yêu cầu liệt kê các hạng mục phải xử lý. Quỹ Môi trường Quốc gia mới thành lập hứa hỗ trợ 20-30% kinh phí để đến 2005 hoàn thành dứt điểm xử lý. Quyết tâm thế là mạnh nhưng thực tế thế nào, đến tận nơi khắc rõ.
Để tháo ngòi nổ xung đột, ngày 6/5/2005, tỉnh quyết định cho tạm dừng hai nhà máy của tỉnh là Duyên Linh và Trung Hải, dừng 50% công suất nhà máy tư nhân là Thành Công và Phú Tân. Song đấy mới chỉ là tình thế.
Chưa bao giờ địa phương được quyền tự chủ bố trí cây gì, con gì, “nuôi” ngành gì như vài năm gần đây. Cũng chưa bao giờ địa phương đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững như bây giờ. Giai đoạn đổi mới công nghiệp, thời kỳ đầu phải chấp nhận ô nhiễm. Nhưng mức độ và sức chịu đựng của con người đến đâu, bài toán phát triển bền vững phải giải trên cơ sở quyền lợi của tất cả các bên.
Quốc Dũng
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.