Header Ads

header ad

Ô nhiễm ở địa bàn giáp ranh chưa được giải quyết triệt để

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra khá nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đáng chú ý, “đối tượng” gây ô nhiễm nằm trên địa bàn của tỉnh lân cận, “hàng xóm” với Hải Phòng. Việc giải quyết triệt để vụ việc này gặp không ít khó khăn.
Khó giải quyết triệt để
Thời gian qua, người dân xã Hưng Nhân và  Đồng Minh huyện Vĩnh Bảo, liên tục có kiến nghị về Công ty sản xuất Thép Shengli Việt Nam nằm  ở khu vực thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân. Được biết, Công ty Shengli sản xuất thép có công suất 800 nghìn tấn/năm, được Tổng cục Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Công ty đi vào hoạt động từ cuối năm 2008; ngay khi hoạt động, người dân 2 xã Đồng Minh và  Hưng Nhân kiến nghị hoạt động của công ty gây bụi; nhất là vào những ngày gió đông, đông bắc, mức độ ảnh hưởng tăng lên. Do cơ sở gây ô nhiễm nằm ở địa bàn thuộc tỉnh khác quản lý nên việc kiểm tra, giám sát, giải quyết triệt để vấn đề là việc không dễ. Người dân kiến nghị nhiều lần nhưng tình trạng công ty xả khói bụi vào vào ban đêm vẫn diễn ra.
Nhà máy Xi măng Phúc Sơn (Kinh Môn, Hải Dương) gây ảnh hưởng tới môi trường xã An Sơn (Thủy Nguyên).
Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc các cơ sở sản xuất nằm ở địa bàn giáp ranh gây ô nhiễm môi trường đối với nhiều xã thuộc địa bàn Hải Phòng. Công ty Xi măng Phúc Sơn nằm trên địa bàn thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn (Hải Dương) gây ô nhiễm môi trường đối với người dân ở khu vực An Sơn (Thủy Nguyên). Ngược lại, có những cơ sở sản xuất, khai thác của Hải Phòng lại gây ô nhiễm cho địa phương bạn. Hiện nay, vào ngày gió bắc, Nhà máy xi-măng Tân Phú Xuân ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) lại thổi bụi sang khu vực thị trấn Mạo Khê (tỉnh Quảng Ninh); khu vực khai thác đá ở An Sơn hắt bụi qua khu vực Kinh Môn (tỉnh Hải Dương). Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở khai thác đá ở An Sơn, sau đó, chuyển hồ sơ sang Thanh tra ngành để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đối với Công ty xi măng Phúc Sơn, cần có sự phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương để giải quyết.
Thiếu giải pháp đồng bộ
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm bụi ở 2 xã Hưng Nhân và Đồng Minh (Vĩnh Bảo) do Công ty Shengli gây nên, Sở Tài nguyên-Môi trường  Hải Phòng có công văn gửi Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Thái Bình đề nghị phía địa phương bạn tăng cường giám sát và  thường xuyên kiểm tra theo quy định về bảo vệ môi trường và định kỳ cung cấp thông tin cho Sở Tài nguyên-Môi trường và UBND huyện Vĩnh Bảo để phối hợp giải quyết. Sở Tài nguyên-Môi trường  thành phố lập kế hoạch quan trắc bổ sung nhằm phối hợp tỉnh bạn nhằm giảm thiểu hiện tượng trên. Phía Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Thái Bình có cam kết thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc chấp hành của công ty Shengli. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Tình trạng công ty xả thải trộm vào ban đêm vẫn diễn ra. Hạn chế trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường ở khu vực giáp ranh là do, cơ sở sản xuất thuộc địa bàn, thẩm quyền quản lý, giám sát của tỉnh khác nên cơ quan quản lý môi trường thành phố thiếu sự chủ động trong giải quyết. Chỉ khi  xảy ra vụ việc, phía Sở Tài nguyên-Môi trường  lại làm công văn đề nghị, việc giải quyết bị kéo dài, hiệu quả không cao, không có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương ở địa bàn giáp ranh giữa thành phố Hải Phòng và các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh,…đã có sự phối hợp trong giải quyết các vấn đề an ninh trật tự. Việc mở rộng trong quản lý, giám sát bảo vệ môi trường là vấn đề cần quan tâm, tạo sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của cả chính quyền và người dân ở cơ sở. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng giáp ranh cần tăng cường thực hiện tốt quy chế phối hợp bảo vệ, giám sát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường; việc chủ động thực hiện quy chế trên ở mỗi địa phương sẽ nắm bắt được tình hình, thông tin kịp thời, tạo sức mạnh tổng hợp trong  bảo vệ môi trường các địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền ở địa bàn cơ sở.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.