Cướp than ở Mạo Khê- Quảng Ninh: Vụ việc hình sự hay lỗ hổng quản lý?
Vừa rồi, lại bùng lên chuyện trong vòng 7 đêm, từ 12 đến 19/2/2010 (29 đến mùng 6 tết Canh Dần), mỏ than Mạo Khê bị... ăn cướp (chứ không phải mất trộm) tận vài nghìn tấn than. Nói vài nghìn vì đó là số liệu ước tính do mỏ than Mạo Khê - “nạn nhân” của vụ ăn cướp - đưa ra. Vụ ăn cướp ấy đã chìm vào im lặng (hoặc bị lờ đi) suốt một tháng trời.
Than của mỏ Mạo Khê bị cướp trong phản ứng yếu ớt của các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa bàn
Trong 7 đêm ấy, chính xác là từ 8 h tối hôm trước tới 4 h sáng hôm sau, mỗi đêm có gần trăm xe ben trọng tải từ 10 – 25 tấn/xe, hàng chục máy xúc cỡ lớn thi nhau cướp than tại khai trường vỉa 9B của mỏ than Mạo Khê. Đường vào để cướp than đi qua đất của một số gia đình cạnh khai trường vỉa 9B. Các gia đình này đã đồng loạt chuyển đi vài ngày trước tết, để nhường chỗ cho đội quân cướp than. Than bị cướp chở đi không xa: về khu vực cảng Bến Đụn (xã Yên Đức, huyện Đông Triều) – cảng than đã được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch từ năm 2008. Than đã bị cướp trong phản ứng yếu ớt của các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa bàn. Nói yếu ớt vì quả thực bảo vệ mỏ than Mạo Khê có nổ vài phát súng chỉ thiên cảnh cáo, rồi thôi. Vì với “lực lượng” cướp than hùng hậu như trên, chỉ một mình bảo vệ than Mạo Khê không thể đủ sức ngăn chặn. Các cơ quan chức năng như chính quyền, Công an huyện Đông Triều, và rộng hơn là UBND, Công an tỉnh Quảng Ninh... không thể không biết việc than bị cướp. Thế nhưng, than vẫn bị cướp suốt thời gian dài, được tập kết công khai, bởi lực lượng đông đảo, được tổ chức khoa học, chặt chẽ, sử dụng phương tiện cơ giới hiện đại...
Mỏ than Mạo Khê nằm cách thủ đô Hà Nội gần 100 km, cách thành phố Hạ Long – thủ phủ tỉnh Quảng Ninh – chưa tới 80 km. Chỉ cách có vậy thôi, nhưng phải hơn 1 tháng sau khi xảy ra, dư luận và các cơ quan chức năng mới chính thức được biết vụ cướp than công khai và quy mô ấy. Vỉa 9B mỏ than Mạo Khê cũng không là nơi duy nhất bị cướp than. Mà rất nhiều nơi quanh mỏ than này, cũng như các mỏ than khác khắp địa bàn tỉnh Quảng Ninh, than vẫn bị khai thác bất hợp pháp theo kiểu “thổ phỉ” cả lén lút, cả công khai.
Còn nhớ, hơn một năm trước, tỉnh Quảng Ninh đã rầm rộ ra quân (sau rất nhiều lần rầm rộ khác) triệt phá hoạt động khai thác than trái phép và xuất lậu than. Tình hình quản lý kinh doanh, khai thác than trên địa bàn Quảng Ninh sau cuộc ra quân này được đánh giá là khá... yên tĩnh. Cho tới khi thông tin về vụ cướp than tại Mạo Khê được công khai. Hóa ra than lậu tại Quảng Ninh vẫn là một “phong trào”... hoành tráng. Vì nếu “phong trào” này đã được ngăn chặn, thì chẳng thể xảy ra vụ cướp than trắng trợn với quy mô như trên. Than lậu bị ngăn chặn không xuất được, không bán “chui” trong nước được, thì động cơ để cướp than cũng đã không còn. Và nếu chính quyền tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện Đông Triều nói riêng có đủ sức mạnh về tổ chức và ý chí, thì vụ cướp than được tổ chức bài bản như trên đã có thể được ngăn chặn, thậm chí là ngăn chặn ngay từ khâu chuẩn bị. Cuối cùng, nếu công tác chống các hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép mà Quảng Ninh đã tiến hành từ lâu tới nay có hiệu quả thực chất, thì không thể có kẻ manh động nào dám nghĩ tới, chứ chưa bàn tới việc đủ sức huy động, tổ chức lực lượng phương tiện cơ giới, con người hùng hậu như trên để cướp than.
Chỉ cách Hà Nội có non trăm cây số, mà vài nghìn tấn than có thể bị cướp công khai trong nhiều ngày. Và sau đó, thông tin về nó lại tiếp tục bị giấu nhẹm, bị lờ đi suốt một tháng trời. Đó là một vụ việc hình sự, hay là một lỗ hổng lớn về quản lý ?
copyright KinhMônSoS
Post a Comment